Tin tức

Lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản: Hiệu quả bước đầu

Huyện Cam Lâm, Khánh Hòa vừa đưa vào vận hành thí điểm lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản tại bãi xử lý rác thải Dốc Đỏ, xã Cam An Nam. Bước đầu cho thấy, lò đốt này có nhiều ưu thế vượt trội.

 

 

 

Nhiều ưu điểm


Lò vận hành bằng chính rác thải để tạo ra nhiệt mà không dùng xăng, dầu hay điện. Do đó, việc đốt rác tiết kiệm được chi phí vận hành và thân thiện với môi trường. Công suất xử lý 1 lò khoảng 0,5 tấn rác/giờ, vận hành 24/24 giờ nên có thể xử lý 12 tấn rác/ngày đêm. Với công suất trên, 1 lò có thể xử lý được lượng rác của một thị trấn hay cụm 2, 3 xã nông thôn. Lò có thể vận hành quanh năm mà không tắt, tuổi thọ khoảng 10 năm. Cấu tạo lò đơn giản, không có động cơ, không có hệ thống thiết bị phức tạp nên rất thuận lợi cho công tác bảo trì, sửa chữa. Lò có thể đốt tất cả các loại chất thải rắn sinh hoạt (trừ những chất không cháy được như: sành, sứ, thủy tinh, gạch đá, kim loại...). Khối lượng tro sau khi đốt (chiếm khoảng 2 - 5% tổng khối lượng rác đầu vào) có thể đem chôn lấp hay cải tạo đất. Công nghệ này thích ứng với điều kiện khí hậu, thành phần rác thải tại Việt Nam.


Ông Nguyễn Văn Đông - công nhân vận hành lò đốt (Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn) cho biết: “Sau 2 tháng đi vào hoạt động, lò hoạt động ổn định. Trước khi đưa rác vào lò phải phân loại, tách các chất không cháy và chứa nước, nếu không lò sẽ phát sinh nhiều khí gây nổ. Vì vậy, một ca trực phải cần có 6 người (4 phân loại, 1 đốt, 1 phụ đốt)”. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ ngày đưa lò vào hoạt động đã giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp (từ 24 tấn/ngày còn 16 tấn/ngày). Bước đầu tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm trên, lò vẫn còn những hạn chế như: mức độ tự động hóa thiết bị còn thấp, lò phải vận hành thủ công, công nhân làm việc tiếp xúc với môi trường hôi hám, nhiệt độ cao ảnh hưởng tới sức khỏe...


Đầu tư thêm lò đốt


Thời gian qua, công tác xử lý rác thải trên địa bàn huyện Cam Lâm chủ yếu là thủ công. Rác sau khi thu gom, vận chuyển về bãi rác; công nhân tiến hành cào, phơi rác, xịt hóa chất xử lý mùi, diệt ruồi nhặng và đốt bỏ; sau đó san ủi và lấp đất lên bề mặt để rác tự phân hủy. Mùi hôi và khói bụi do quá trình đốt và rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân gần bãi rác và khu vực lân cận. Bên cạnh đó, hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cũng mới chỉ thực hiện tại 7/14 xã, thị trấn và Khu công nghiệp Suối Dầu với tổng lượng rác hàng ngày tập kết về bãi khoảng 24 tấn. Như vậy, với 1 lò đốt như hiện nay mới chỉ xử lý được 1/3 lượng rác.

 

Để xử lý hết lượng rác thải được thu gom và tập kết tại bãi rác, trong năm 2015 huyện Cam Lâm sẽ mua thêm 2 lò đốt với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để lắp đặt tại khu vực bãi xử lý rác xã Cam An Nam. Dự kiến, đến năm 2017, mở rộng phạm vi thu gom rác ra toàn huyện với lượng rác thải thu gom ước tính 50 tấn/ngày. Để xử lý khoảng 80% khối lượng rác thu gom theo công nghệ đốt, năm 2016 - 2017, huyện cần đầu tư thêm 2 lò đốt để lắp đặt tại 2 xã Cam Hòa và Suối Tân, nâng tổng số lượng lò đốt toàn huyện lên 5 lò.


Bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: “Việc đưa vào thí điểm vận hành lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản đã cho thấy nhiều ưu điểm so với những cách xử lý khác, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, huyện Cam Lâm sẽ kiến nghị tỉnh đầu tư cho huyện thêm 4 lò đốt nhằm đáp ứng công tác xử lý rác theo công nghệ mới, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao...”.

 

Theo Báo Khánh Hoà


Các bài viết khác